Kinh nghiệm nâng cao năng suất, chất lượng củ đậu thu đông
Thâm canh cây củ đậu vụ thu đông đã và đang được nhiều địa phương quan tâm và phát triển bởi giá trị mang lại của cây trồng này khá cao.
Dưới đây là một số biện pháp kỹ thuật tác động để có được năng suất và chất lượng cao cho củ đậu thương phẩm.
+ Giống: Hiện tại có 2 giống củ đậu là Chiêm xanh Thái Bình và Chiêm lá nhỏ miền Nam có khả năng chịu được thời tiết khô hạn hoặc ngập úng cũng như lạnh giá. 1 sào Bắc Bộ cần khoảng 3,5 - 4,2 kg hạt.
+ Thời vụ: Củ đậu có thể trồng từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch.
+ Làm đất: Đất trồng củ đậu tốt nhất là đất cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn.
- Lên luống sơ bộ: Đất được cày vỡ, phân luống (khoảng 4m/luống) rồi lên luống cao khoảng 40 cm. Tiến hành bón lót các loại phân bao gồm: 2-3 tạ phân chuồng mục + 12-15 kg supe lân + 12-15 kg NPK (15-15-15) + 4-5 kg u-rê.
Sau đó cày nhặt xá (cày cách xá) và lên luống hoàn chỉnh sao cho luống cao khoảng 60 - 70 cm theo hình mai rùa (đỉnh luống rộng khoảng 3 cm), thân luống rộng 1,8 - 2 m để thoát nước tốt. San phẳng bề mặt luống sao cho phân lót được vùi sâu so với bề ngoài mặt luống khoảng 5 - 7 cm để không thất thoát phân. Đồng thời, hạt không bị thối do rễ chạm phân bón.
Dùng thuốc cỏ màu (tiền nảy mầm) phun đều mặt luống và cả dõng để hạn chế cỏ dại trước khi đặt hạt khoảng 2 ngày.
+ Đặt hạt: Bắt đầu đặt hạt cách dõng luống khoảng 20 - 25 cm. Hạt được đặt nằm ngang đều và so le nhau sao cho mỗi hạt cách hạt từ 8 - 10 cm.
- Tránh không được đặt phần đầu phôi hạt (mày hạt) hướng xuống vì mầm hạt sẽ quay xuống dưới đất, hạt sẽ bị thối trước khi lên cây.
- Trước khi đặt hạt nên tưới ẩm luống đất để tránh cho hạt không bị trầy xước, khô bong (hỏng hạt).
- Khi đặt hạt cần ấn nhẹ hạt dính vào đất để hạt không bị trôi khi tưới nước hoặc rắc rạ.
+ Chăm sóc: Cần tưới nước giữ ẩm thường xuyên luống củ đậu giúp cây phát triển thuận lợi. Sau trồng khoảng 1 tháng, bón phân thúc để nuôi cây với lượng khoảng 2 kg urê + 3 kg supe lân hoặc phân tổng hợp NPK bằng cách rắc đều trên mặt luống rồi tưới nước cho phân tan và ngấm đều (cần tưới đủ nước để lá cây không bị cháy). Có thể tiến hành bón phân thúc tiếp cho cây từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4 khoảng 2 - 3 lượt.
+ Bấm ngọn, ngắt hoa: Khi cây củ đậu có khoảng 5-6 lá thật, tiến hành bấm ngọn lần đầu tiên. Sau đó, khi cây bật ngọn phụ và ra hoa thì cần phải bấm và ngắt bỏ kịp thời để cây xuống củ được thuận lợi. Tuy nhiên, luôn luôn phải bảo đảm duy trì trên mỗi cây củ đậu phải có từ 10-12 lá thật để cây quang hợp tốt, củ sẽ nhanh to.
+ Bệnh hại: Một số bệnh chính gây hại củ đậu thu đông đó là: bệnh chết thắt thân cây con, bệnh vàng lá, bệnh đốm nâu và bệnh gỉ sắt.
Biện pháp: Sau khi hạt mọc mầm và phát triển thành cây con (cây bật khỏi mặt rạ và có 2 lá mầm), nên sử dụng thuốc Validacin để phòng bệnh chết thắt thân cây con (không được sử dụng thuốc Anvil lúc này sẽ dễ làm cây cháy lá).
+ Thu hoạch: Tốt nhất nên thu hoạch khi cây được 5,5 - 6 tháng tuổi (năng suất và chất lượng củ cao nhất).
KS Trần Thị Liên (Trạm Khuyến nông Nam Sách - Hải Dương)